Bài Giảng

Tình Yêu Thiên Thượng


 Kinh Thánh: Rô-ma 5:6-11.
 Câu Gốc: “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết” (Rô-ma 5:8).
Giới Thiệu:
Tình yêu thiên thượng là tình yêu đến từ lòng yêu thương của Đức Chúa Trời. Ngài yêu con người ngay từ lúc tổ phụ loài người là A-đam và Ê-va phạm tội bất tuân ăn trái cây biết điều thiện và điều ác mà Chúa căn dặn không nên ăn, vì ăn trái cây đó thì sẽ chết.

      Họ đã nghe lời Đức Chúa Trời căn dặn, nhưng cuối cùng họ đã ăn và biết được mình loã lồ ngay sau khi ăn trái cây Chúa đã cấm không được ăn. Họ đã phạm tội vì đã xem thường Lời Chúa phán dạy, nhưng Chúa vẫn bày tỏ lòng yêu thương Ngài đối với họ. Cũng từ đó, Đức Chúa Trời đã hoạch định ngay chương trình cứu rỗi cho loài người để đem họ trở về với tình thương của Ngài đối với họ như thuở ban đầu.

      Đức Chúa Trời không những bày tỏ tình yêu của Ngài đối với A-đam và Ê-va, nhưng Ngài vẫn còn bày tỏ tình yêu của Ngài cho mỗi chúng ta.

1. Tình Yêu.

       Sứ đồ Phao-lô cho biết Chúa yêu chúng ta khi chúng ta còn đang sống trong tình trạng tội lỗi trước khi nhận được sự cứu rỗi từ Chúa Jêsus qua sự hy sinh của Ngài trên thập tự giá. Đây chính là một bằng chứng rõ ràng của tình yêu thiên thượng. Vì ai cũng biết rằng kiếm một người bằng lòng chết thế cho một người công chính đã là một chuyện khó, huống chi là kiếm một người chết cho một người tội lỗi không ra chi.

       Cái chuyện mà chúng ta nghe về tấm gương của những người hy sinh mạng sống mình vì người khác cũng có thể có nhưng rất hiếm hoi. Vì Lời Chúa cho biết Vả, họa mới có kẻ chịu chết vì người nghĩa; dễ thường cũng có kẻ bằng lòng chết vì người lành.” (Câu 7). Tình yêu của thế gian chỉ dành cho những người có mối liên hệ thân thương, hoặc cho người nghĩa và người lành  mà thôi.

        Ngược lại tình yêu của Chúa đối với chúng ta, “khi chúng ta còn yếu đuối, Đấng Christ đã theo kỳ hẹn chịu chết vì kẻ có tội.” (Câu 6). Chúa Jêsus bằng lòng hy sinh mạng sống mình cho những người yếu đuối và có tội, chứ không phải cho những người nghĩa, người lành. Người yếu đuối là người bất lực không còn một chút sức mạnh nào.

        Người yếu đuối chỉ về, “người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự dồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng”.  (I Cô-rinh-tô 2:14).

      Người yếu đuối cũng là người không thể làm hài lòng Đức Chúa Trời như Lời Chúa Jêsus phán  “Các ngươi làm bộ công bình qua mặt người ta, song Đức Chúa Trời biết lòng các ngươi; vì sự người ta tôn trọng là gớm ghiếc trước mặt Đức Chúa Trời.” ( Lu-ca 16:15).
Người yếu đuối cũng là người không thể vâng lời Đức Chúa Trời, vì Họ đã mất cả sự cảm biết, đành bỏ mình trong một đời buông lung, đem lòng mê đắm không biết chán mà phạm hết mọi điều ô uế.”(Ê-phê-sô 4:19).
Tình yêu Chúa đối với chúng ta khi chúng ta còn là kẻ có tội. Kẻ có tội là kẻ sống vô đạo đức, gian ác, đồi bại, và đem nguy hại đến người khác. Người có tội sống trái với người nghĩa và người lành. Họ không sống theo ý muốn và mục đích mà Ngài đã tạo dựng, cho nên, họ đã bóp méo và làm sai lệch tình yêu của Đức Chúa Trời đối với loài người, “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 3:23). Nhưng  Đức Chúa Trời vẫn yêu thương và sai Con một của Ngài đến thế gian để chết thế cho tội lỗi của tất cả nhân loại.

      Chúa Cứu Thế Jêsus là Đấng vô tội chịu chết thay cho tội lỗi của cả nhân loại. Tôi và quý vị sẽ cảm nhận phần nào về tình yêu thiên thượng, và ân điển diệu kỳ của Chúa đối với chúng ta, khi chúng ta nhận biết tình trạng xấu xa, tuyệt vọng của mình. Và khi nào chúng ta thật sự nhận biết tình yêu vĩ đại của Chúa, thì lúc đó chúng ta mới có thể sống biết ơn Chúa, và có thể yêu thương người khác như Chúa đã yêu tôi và quý vị.

       Chúng ta hãy nhìn lên cây thập tự, để biết tình yêu Chúa đối với chúng ta khi chúng ta còn là người yếu đuối, còn là người có tội  không xứng đáng nhưng vẫn được Chúa yêu thương và hy sinh cho tôi và quý vị.

       Bây giờ, tôi và quý vị suy nghĩ đến thái độ của chúng ta đối với tình yêu mà Chúa đã đặc biệt dành cho tôi và quý vị .

2. Thái Độ. 

      Tình yêu của Chúa đối với chúng ta quá cao cả, cho nên, tôi không có điều gì nghi ngờ về tình yêu Thiên Chúa đã dành cho tôi. Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta đến nỗi sai Chúa Jêsus đến trần gian chịu khổ, chịu bị bắt bớ để hoàn thành chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho  nhân loại. Cũng vì yêu chúng ta mà Chúa Jêsus bằng lòng hy sinh chính mạng sống mình để cứu chuộc nhiều người hư mất.

      Sau khi Phao-lô gặp Chúa Jêsus trên đường đến Đa-mách để bắt giết các người theo Ngài. Phao-lô bắt đầu thay đổi thái độ của mình, vì tình yêu của Chúa dành cho ông. Chúa yêu thương ông, cho nên, Chúa làm cho ông bị mù tạm thời. Sau đó, Chúa sai A-na-nia đến chữa lành và làm Báp-tem cho ông rồi chọn ông làm sứ đồ cho dân ngoại.

        Sứ đồ Phao-lô hiểu rõ tình yêu của Chúa đối với ông quá vĩ đại. Phao-lô đã thật sự thay đổi thái độ từ một người sốt sắng bắt bớ Chúa thành một người sẳn sàng hy sinh cuộc đời mình để rao giảng tình yêu của Chúa Jêsus cho mọi người hư mất. Phao-lô cũng cho biết thêm rằng: Huống chi nay chúng ta đã nhờ huyết Ngài được xưng công bình, thì sẽ nhờ Ngài được cứu khỏi cơn thạnh nộ là dường nào!” (Câu 9). Mỗi chúng ta được xưng công bình, được tránh khỏi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời là nhờ huyết của Chúa Cứu Thế Jêsus. Nhưng thái độ của chúng ta đối với tình yêu của Chúa như thế nào?

     Áp-ra-ham là người được xưng công bình bởi đức tin đến Đấng Cứu Thế mà ông chưa từng biết và gặp. Đức Chúa Trời yêu thương chọn và kêu gọi ông ra khỏi quê hương, cha mẹ, bạn bè bà con họ hàng thân thuộc để đi đến nơi mà Chúa chỉ định. Áp-ra-ham được Chúa xưng công bình bởi đức tin, chứ không phải việc làm. Tuy nhiên, đức tin của Áp-ra-ham cũng có lúc yếu đuối đến nỗi sợ chết, nên ông đã nói dối rằng Sa-ra vợ mình là em gái, để được các vua ngoại bang ưu đãi và không giết hại đến gia đình của ông.     
Nhưng cũng có lúc đức tin của Áp-ra-ham mạnh mẽ đến nỗi vâng lời Chúa làm của lễ dâng Y-sác mà vẫn giữ thái độ cương quyết. Áp-ra-ham thường lập bàn thờ dâng tế lễ để bày tỏ thái độ cung kính biết ơn  đối với tình yêu của Chúa dành cho ông.
Còn thái độ của chúng ta đối với tình yêu của Chúa thì sao? Chúng ta có sẳn sàng vác thập tự giá bước đi với Chúa Jêsus như điều Ngài đã phán không? Chúng ta có sốt sắng chia sẻ tình yêu của Chúa cho người hư mất không?

      Bây giờ cũng là lúc cho chúng ta thực tập tình yêu của Chúa để có thể yêu những người khác mà mình không thể yêu được.

3. Thực Tập.

       Yêu kẻ thù không phải là chuyện dễ làm, vì nó đòi hỏi sự nhân từ,  kiên nhẫn chịu đựng với đối tượng mình yêu. Kinh Thánh ghi chép không biết bao nhiêu lần Chúa nhân từ, kiên nhẫn chịu đựng với dân Ngài đã chọn, nhưng lại là một dân cứng đầu cứng cổ. Nếu tôi và quý vị muốn thật sự biết làm sao yêu được người mình ghét, thì trước hết chúng ta phải thực tập sự kiên nhẫn chịu đựng để có thể yêu thương kẻ thù như Chúa đã yêu.

       Trước khi, chúng ta thực tập tình yêu thiên thượng, Phao-lô muốn chúng ta thấy sự quan trọng của việc hoà thuận lại với Đức Chúa Trời. Thật sự không có điều gì quý hơn khi được tương giao với Đức Chúa Trời, vì con người dù có cố gắng mấy đi nữa cũng không thể nào đến gần Đức Chúa Trời thánh khiết. Khi loài người phạm tội thì mối liên hệ giữa Đức Chúa Trời với con người bị cắt đứt, vì con người tội lỗi không thể đối diện với Đức Chúa Trời, như Lời Ngài lại phán rằng: Ngươi sẽ chẳng thấy được mặt ta, vì không ai thấy mặt ta mà còn sống.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:20).

         Đức Chúa Trời là tình yêu thương, vì ngay buổi sáng thế khi con người bắt đầu phạm tội thì Ngài đã có kế hoạch cứu rỗi loài người để đem họ trở về mối tương giao tốt lành với Ngài như thuở ban đầu. Đó là lý do mà Ngài đã sai Con Một của Ngài là Chúa Jêsus giáng trần để chết thay tội lỗi của nhân loại. Bởi dòng huyết cứu chuộc của Chúa Jêsus mà chúng ta được hoà thuận lại với Đức Chúa Trời, khi chúng ta tiến nhận Chúa Jêsus làm cứu Chúa của mình.

        Ngày nay cũng có nhiều người đang thực hiện tình yêu bằng các việc làm tự thiện. Họ tự trấn an mình bằng những việc xã hội như giúp đỡ những người nghèo khổ, những người cô đơn và goá bụa, để hy vọng tích đức lại cho con cháu mình.
Thật sự thì chúng ta không phủ nhận những việc lành họ làm, nhưng đây không phải là cách để thực hiện tình yêu của Đức Chúa Trời đối với nhân loại. Nếu bởi việc lành của mình mà được cứu rỗi linh hồn và có thể tích đức cho con cháu mình thì Chúa Cứu Thế Jêsus không cần đến thế gian chết thế cho tội lỗi của mình.  

       Chúa Jêsus phải đến thế gian và phải chết trên thập tự giá để đền tội cho nhân loại, vì “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu.” (Công-vụ 4:12). 

       Chúng ta được cứu rỗi linh hồn không phải việc lành mình làm, “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình;” (Ê-phê-sô 2:8-9). Nói tóm lại là chúng ta được cứu rồi mới làm lành chứ không phải làm lành để được cứu.

       Chúng ta không thể cho người khác tình yêu thiên thượng khi mình không có tình yêu đó. Chúng ta phải thực tập để hiểu rõ tình yêu của Chúa mà chia sẻ lại cho người khác. Tình yêu của chúng ta là tình yêu có tính toán, có điều kiện, cho nên, không phải ai mình cũng thương yêu họ được. Chỉ có tình yêu hy sinh của Chúa Jêsus, mới làm cho chúng ta vui thoả trong nghịch cảnh, và thương yêu cầu nguyện cho kẻ mà mình không thể yêu họ được.    
Đây là loại tình yêu mà chúng ta phải bỏ nhiều thì giờ học hỏi và thực tập để có thể yêu và cầu nguyện cho kẻ thù của mình mà Chúa Jêsus đã dạy.

Kết Luận:
       Tôi xin kể cho quý vị nghe một câu chuyện để biết cách bỏ tính ghen ghét mà sống trong tình yêu thiên thượng.

- Có hai người buôn bán cạnh tranh nhau kịch liệt và rất ghét nhau. Sau đó, một trong hai người đã tin nhận Chúa Jêsus đến nói với Mục sư rằng:

- Tuy rằng tôi đã tin Chúa Jêsus và biết tình yêu của Ngài đối với tôi, nhưng tôi vẫn còn ghét người đó và không biết làm thế nào để thắng được tánh xấu này?

-  Mục sư đáp: Này, nếu ai đi vào tiệm của ông mua hàng mà ông không có sẵn, thì ông nên bảo họ qua tiệm kẻ kình địch mình mà mua. 

- Tôi k hông thích làm như thế!

- Ông nên làm như vậy, ắt sẽ giết được tánh ghen ghét.

- Tôi sẽ thử coi.

- Từ đó, hễ ai vào tiệm ông mua hàng mà ông không có sẵn, thì ông liền bảo họ qua tiệm kẻ kình địch mình mà mua. Cách ít lâu, người kia cũng bắt đầu đưa khách qua tiệm ông, vì thấy ông đã thay đổi tánh tình.

Câu chuyện này làm cho liên tưởng đến tình yêu của Chúa dành cho nhân loại. Nếu tất cả mọi đều hiểu thấu tình yêu thiên thượng thì gia đình sẽ ấm êm, Hội Thánh khắp nơi sẽ phát triển. Như vậy thì Cơ-đốc nhân phải thay đổi thái độ của mình đối với tình yêu của Chúa, và hết lòng thực tập tình yêu thiên thuợng để có thể yêu kẻ thù và sẳn sàng chia sẽ tình yêu của Chúa cho những người chưa biết ý nghĩa của tình yêu thiên thượng.

Nguyện xin Lời Chúa ở cùng quý vị.    Amen.

URL Counter