Bài Giảng

Yêu Đến Cuối Cùng


 Kinh Thánh: Giê-rê-mi 31:1-6
Câu Gốc:“Ngài đã yêu những người thuộc về mình trong thế gian, thì cứ yêu cho đến cuối cùng” (Giăng 13:1b). 
Cầu Nguyện:
Giới Thiệu:
Kính thưa Hội Thánh, không có gì vui mừng hơn khi chúng ta được Chúa yêu và yêu cho đến cuối cùng. Tình yêu ban đầu lúc nào cũng đẹp, nhưng thời gian sẽ làm cho tình yêu đó nguội lần, nếu họ yêu nhau bằng tình yêu có điều kiện. Yêu vì sắc đẹp, thì sẽ làm cho chúng ta dễ chán, vì sắc đẹp của con người sẽ phai tàn theo năm tháng.

      Ngược lại, Chúa Jêsus thì khác. Ngài yêu ai thì yêu cho đến cuối cùng. Tại sao? vì tình yêu của Ngài là: I. Bất diệt.  II. Bởi chính Ngài là sự yêu thương.  III.Bao dung.

Chúa Jêsus yêu ai thì yêu cho đến cuối cùng vì tình yêu của Ngài là:

I. Bất biến. 

      Tình yêu của Chúa không bao giờ thay đổi, cho dù, dân Y-sơ-ra-ên phạm tội và bị lưu đày nơi xứ người. Đức Chúa Trời vẫn luôn yêu họ, và không bỏ họ chịu cảnh lưu đày mãi mãi. Vì tình yêu mà Ngài đem họ trở về quê hương như Ngài đã hứa ban cho họ.Đức Giê-hô-va phán:Trong lúc đó, Ta sẽ làm Đức Chúa Trời của hết thảy họ hàng Y-sơ-ra-ên; chúng nó sẽ làm dân Ta” (câu 1).

        Lời hứa của Chúa đã được ứng nghiệm trên dân Y-sơ-ra-ên khi họ được trở về xây lại vách thành và tái lập sự thờ phượng như xưa. Vào năm 1948, một lần nữa lời hứa đó cũng đã ứng nghiệm. Dân Y-sơ-ra-ên tan lạc từ khắp nơi trên thế giới đã được Chúa đem họ trởvề, để thành lập lại nước Do Thái. Họ đã bất trung với Chúa, nhưng Ngài vẫn là Đức Chúa Trời của họ, và họ vẫn còn làm dân Ngài.

       Chúa sửa phạt dân Y-sơ-ra-ên không phải Ngài không yêu thương họ, nhưng cho họ biết rằng, “Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt”
(Hê-bơ-rơ 12:6). Chúa cho phép những hoàn cảnh khó khăn xảy ra, để sửa dạy họ trở nên đứa con biết vâng lời Chúa dạy.
Đó chính là lý do mà chúng ta nên vui mừng khi Chúa còn sửa phạt chúng ta. Tình yêu của Chúa đối với chúng ta vẫn không thay đổi.  Nên nhớ, Chúa Jêsus bằng lòng chết thế cho tội lỗi của chúng ta trên thập tự gía, khi chúng ta còn là tội nhân.

       Tôi và quý vị là những kẻ làm cha mẹ, cũng luôn yêu thương con cái mình khi chúng bất tuân, huống chi Đức Chúa Trời là sự yêu thương. Vì tình yêu của Chúa là bất diệt, cho nên, “Đức Giê-hô-va phán như vầy: Dân sót lại thoát khỏi gươm dao, tức là Y-sơ-ra-ên, đã được ơn trong đồng vắng, khi ta đi khiến chúng nó được yên nghỉ.” (câu 2).             
Nếu không bởi tình yêu bất diệt của Chúa, thì không một ai sẽ đứng nỗi trong ngày phán xét của Ngài đâu? Vì tình yêu mà Ngài bảo vệ Y-sơ-ra-ên khỏi gươm dao, và ban ơn cho họ khi họ lang thang trong đồng vắng, và cho họ được nghỉ ngơi.  

      Chúa Jêsus đã yêu và hy sinh cho chúng ta thập tự gía, để bảo đảm rằng không ai có thể lên án chúng ta, vì Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng đã chết, và cũng đã sống lại nữa. Ngài đang ngự bên hữu Đức Chúa Trời, cầu nguyện thế cho chúng ta.”  (Rô-ma 8:34).

Chúa Jêsus yêu ai thì yêu cho đến cuối cùng:

II. Bởi chính Ngài là tình yêu.

     Chúa yêu dân Y-sơ-ra-ên và chúng ta đến cuối cùng, bởi chính Ngài là tình yêu. Chúa “đã lấy sự yêu thương đời đời mà yêu ngươi; nên đã lấy sự nhân từ mà kéo ngươi đến” (Câu 3).

     Tình yêu của thế gian là “khi thương trái ấu cũng tròn, còn ghét trái bồ hòn cũng méo”. Tình yêu tùy theo đối tượng. Nếu mình có cảm tình với người đó thì người đó làm gì mình cũng thương, nhưng ghét rồi thì khó mà thương được. Ngược lại, Chúa  yêu dân Y-sơ-ra-ên, khi họ đã nhiều lần gây tổn thương đến Ngài. Đáng lẽ ra họ bị Chúa ghét bỏ, nhưng ngược lại Chúa đã, “ dùng dây nhân tình, dùng xích yêu thương  kéo chúng nó đến. Ta đã như những kẻ cởi ách khỏi hàm chúng nó, và để đồ ăn trước mặt chúng nó.” (Ô-sê 11:4).

       Chúa yêu thương và ưu đãi họ, mà chúng ta thấy ở trong câu 4,“Ta sẽ dựng lại ngươi, thì ngươi sẽ được dựng, hỡi gái đồng trinh Y-sơ-ra-ên! Ngươi sẽ lại cầm trống cơm làm trang sức, đi làm một với những người nhảy múa vui vẻ.”. Có ai muốn dựng lại một con người đã từng phạm tội và bất trung với mình không? Có ai yêu kẻ bội bạc như Chúa đã yêu không?. 

       Tổ phụ loài người là A-đam và E-va đã phạm tội ăn trái cấm mà Chúa cấm không được ăn, nhưng Ngài vẫn yêu thương họ. Thay vì Chúa phải trừng phạt họ ngay, thì Ngài suy nghĩ đến chương trình cứu chuộc dòng dõi họ, ngay sau khi họ phạm tội.

       Đức Chúa Cha đã sai Chúa Jêsus đến thế gian, vì “Đức Chúa Trời Yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” (Giăng 3:16).

Tôi và quý vị “Hãy xem Đức Chúa Cha đã tỏ cho chúng ta sự yêu thương dường nào, mà cho chúng ta được xưng là con cái Đức Chúa Trời; và chúng ta thật là con cái Ngài. Ấy là vì đó mà thế gian chẳng biết chúng ta, vì họ chẳng từng biết Ngài.” (1 Giăng 3:1).

     Chúng ta đừng buồn khi thế gian ghét tôi và quý vị, bởi vì họ chẳng từng biết Chúa. Chúng ta đừng buồn vì những người xưng mình là con cái Chúa, nhưng lại ganh ghét nhau. Chúng ta hãy vui, bởi vì chính Chúa là nguồn cội của tình yêu thương.

Chúa Jêsus yêu ai thì yêu cho đến cuối cùng vì Ngài luôn:

III. Bao dung.

     Chúa chẳng những bao dung tha thứ tội cho họ, nhưng Chúa cũng hứa, Ngươi sẽ lại trồng vườn nho trên núi Sa-ma-ri, những kẻ trồng sẽ trồng và sẽ được hái trái.” (Câu 5). Chuyện trồng vườn nho trên núi là nơi thích hợp cho cây nho và cũng là nơi làm rượu nho tốt nhất. Núi cũng nói đến nơi Chúa ngự để dân Y-sơ-ra-ên gặp gỡ Ngài. 

Môi-se cầu xin “Hỡi Đức Giê-hô-va! Ngài đưa dân ấy vào, và lập nơi núi cơ nghiệp Ngài, Tức là chốn Ngài đã sắm sẵn, để làm nơi ở của Ngài, Hỡi Chúa! là đền thánh mà tay Ngài đã lập.” (Xuất 15:17). Kinh Thánh cũng đã ghi lại rằng: “Đức Giê-hô-va giáng-lâm trên chót núi Si-na-i, đòi Môi-se lên, Môi-se bèn lên.” (Xuất 19:20).

       Chúa hứa cho họ ăn trái của cây nho họ trồng. Ít nhiều gì thì cũng có người trồng nhưng không có cơ hội ăn trái. Cũng có nhiều người làm việc cực nhọc suốt đời, nhưng không hưởng được những gì mình đã làm.
Tại sao họ không hưởng được những gì mình làm? Vì mọi yếu tố không tùy thuộc vào mình mà tùy thuộc vào Chúa. Ai cũng biết, “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Người có tài nấu ăn chưa chắc sẽ thành công khi đi ra mở nhà hàng. Vì thành công không phải bởi tài nấu ăn ngon, mà còn tuỳ thuộc vào các yếu tố khác. Thí dụ: Nếu mở nhà hàng rồi sau đó kinh tế bị khủng hoảng thì chắc chắn sẽ thất bại. Có nhiều người làm giàu về việc đầu tư vào nhà đất năm 2006 ở Mỹ này, nhưng sau đó cũng có nhiều người phải bỏ nhà chạy lấy thân.

      Có câu chuyện kể rằng: Có một anh nông dân nghèo khốn khổ, nên anh sử dụng một con ngựa già để cày xới cánh đồng của mình.
Một buổi trưa hôm nọ, trong khi đang làm việc trên cánh đồng, con ngựa già đột nhiên lăn đùng ra chết. Mọi người trong vùng thấy vậy liền nói: “Ồ, thật là một điều khủng khiếp đã xảy ra”. Nhưng anh nông dân chẳng tỏ vẻ gì lo lắng, anh ta vẫn bình tĩnh đáp lại: “Để rồi xem”.Sau đó, vì cảm phục bản lĩnh của anh nông dân nghèo lạc quan, mọi người trong làng tụ tập lại và góp tiền mua tặng anh ta một con ngựa mới coi như là một món quà chia sẻ rủi ro. Bây giờ, phản ứng của mọi người là: “Anh ta là một người may mắn!”. Nhưng anh nông dân chỉ nói: “Để rồi xem”.
Hai ngày sau, con ngựa mới phóng qua rào và chạy mất. Mọi người trong làng lắc đầu than: “Thật là một anh chàng tội nghiệp”. Anh nông dân mỉm cười và nói: “Để rồi xem”. Sau một vài ngày dạo chơi, rốt cuộc, con ngựa cũng tìm được đường về nhà, và mọi người một lần nữa lại mừng cho anh: “Thật là một anh chàng tốt số”. Nhưng anh nông dân chỉ lại nói: “Để rồi xem”.
Không lâu sau, khoảng vào cuối năm, anh nông dân trẻ trong một cú té ngựa đã bị gãy chân. Người trong làng bàn tán: “Thật tiếc cho anh nông dân đen đủi”. Anh nông dân vẫn thản nhiên: “Để rồi xem”. Hai ngày sau, quân đội đến làng để bắt quân dịch. Khi họ trông thấy anh nông dân với chiếc chân bó bột, họ đã không nhận anh. Được dịp, mọi người lại xì xào: “Số anh ta hên thật". Anh nông dân trẻ cũng chỉ cười: “Để rồi xem”.
Trong cuộc sống, không có gì là chắc chắn. Nhiều lần chúng ta cứ tưởng rằng đây là tai họa nhưng thực chất đó lại là một món quà ẩn dấu. Chúa có quyền ban phước cho chúng ta tùy theo sự bao dung của Ngài. Phao-lô biết mọi sự đều tùy thuộc vào Chúa, cho nên, ông nói “Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho lớn lên.” (1 Cô-rinh-tô 3:6).

      Chúa cho mọi người quyền tự do suy nghĩ về sự bao dung của Chúa, nhưng Chúa tin chắc rằng “Sẽ có ngày, những kẻ canh trên các núi Ép-ra-im kêu rằng: Hãy chổi dậy, chúng ta hãy lên núi Si-ôn, đến cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta!” (Câu 6).

      Không có một thần nào ở thế gian này có lòng bao dung và thương yêu nhân loại, và cũng không một “Ai là Đức Chúa Trời giống như Ngài, tha thứ sự gian ác, và bỏ qua sự phạm pháp của dân sót của sản nghiệp Ngài? Ngài không cưu giận đời đời, vì Ngài lấy sự nhân từ làm vui thích.” (Mi-chê 7:18).

      Bởi vì sự bao dung và sự nhân từ của Chúa, mà tôivà quý vị mới có thể đứng nỗi trong ngày phán xét của Ngài. Chứ ngay cả sứ đồ Phao-lô được gọi là thánh cũng cho rằng, trong những kẻ có tội đó ta là đầu.” (I Ti-mô-thê 1:15c).

       Tôi và  quý vị là con cái của Chúa thì không giống lông cũng giống cánh, cho nên, ít nhiều gì thì chúng ta phải có lòng bao dung và nhân từ như Chúa. Đó là lý do mà “nếu một người trong anh em có sự gì phàn nàn với kẻ khác thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau: như Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy”. (Cô-lô-se 3:13).

Kết Luận:
Tôi xin kể cho quý vị nghe câu chuyện rồi chúng ta sẽ ngừng ở đây: Mới đây có hai người Pháp viết một quyển sách về những người thuộc dòng họ quý tộc của Pháp. Sau 15 năm thu thập, tìm kiếm, hai người này liệt kê ra 28000 người có tên họ thuộc hoàng gia Pháp.
Nhưng khi nghiên cứu kỹ, hai người cho biết thật ra chỉ có 4057 người thật sự mang dòng máu của dòng dõi quý tộc mà thôi. Còn lại chỉ có tên, chứ không có máu quý tộc trong người. 

Chúng ta là Cơ Đốc nhân thuộc dòng họ hoàng gia thiên đàng, song thật sự chúng ta có mang dòng máu của Chúa Cứu Thế Jêsus không? Nếu tôi và quý vị có dòng máu Chúa Cứu Thế tràn ngập trong từng mạch máu của chúng ta, thì.Hỡi kẻ rất yêu dấu, chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau; vì sự yêu thương  đến từ Đức Chúa Trời, kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời.” (1 Giăng 4:17).   

Chúng ta hãy yêu nhau như Chúa Jêsus đã yêu chúng ta và phó sự sống Ngài cho chúng ta. Ngài yêu chúng ta đến cuối cùng, bất kể tôi và quý vị là con người như thế nào?. Vì Ngài chính là nguồn cội của tình yêu, cho nên, Ngài luôn bao dung tha thứ tội mà chúng ta vấp phạm mỗi ngày.

Nguyện xin Lời Chúa ở cùng với ông bà anh chị em. Amen.

 

 

 

URL Counter