Cầu Nguyện Cho Nhau
Kinh Thánh: Công-vụ các Sứ-đồ 12:1-5
Câu Gốc: “Vậy, Phi-e-rơ bị cầm trong khám, còn Hội Thánh cứ cầu nguyện Đức Chúa Trời cho người luôn” (Công-vụ các Sứ-đồ 12:5).
Cầu Nguyện:
Giới Thiệu:
Tại sao chúng ta cần cầu nguyện cho nhau, vì Phao-lô đã cho biết: “Hãy biết rằng trong ngày sau rốt, sẽ có những thời kỳ khó khăn. 2 Vì người ta đều tư kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, hay nói xấu, nghịch cha mẹ, bội bạc, không tin kính, 3 vô tình, khó hòa thuận, hay phao vu, không tiết độ, dữ tợn, thù người lành, 4 lường thầy phản bạn, hay nóng giận, lên mình kiêu ngạo, ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời,” (II Ti-mô-thê 3:1-4).
Những điều vừa kể cũng đủ cho chúng ta biết rằng mình đang sống trong một thời kỳ khó khăn về mọi mặt.
Dù sống ở thời kỳ nào thì ai cũng phải chuẩn bị sẳn sàng để đương đầu với cuộc sống hằng ngày. Chúng ta đừng nghĩ rằng mình sẽ không bị hà hiếp, không bị bắt bớ như những người theo Chúa Jêsus thuở ban đầu đâu. Cho nên, mỗi chúng ta cần bền lòng cầu nguyện cho nhau để giúp nhau trung tín với Chúa, cho đến khi Chúa Jêsus tái lâm.
Qua phân đoạn Kinh Thánh này, tôi học được 3 chữ bắt đầu bằng chữ “B”. Thứ nhất là:
I. Bức hại.
“Đang thuở đó, vua Hê-rốt hà hiếp một vài người trong Hội thánh”. (Câu 1). Kinh Thánh cho chúng ta biết có nhiều vua Hê-rốt với danh hiệu khác nhau, nhưng vua Hê-rốt này là Hê-rốt Ac-ríp-ba I và là cháu trai của Hê-rốt An-ti-pa, người đã chém đầu Giăng Báp-tít, khi Giăng Báp-tít can thiệp vào chuyện vua lấy vợ em mình là Hê-rô-đia.
Dòng vua Hê-rốt này rất thủ đoạn và hiếu sát, cho nên, bị dân Do thái phẫn nộ và khinh miệt. Dĩ nhiên, vua Hê-rốt Ac-ríp-ba I biết điều này, vì vậy ông ra sức hà hiếp và bức hại Hội Thánh. Vua ra lịnh bắt giam nhiều người theo Chúa Jêsus trong đó có Gia-cơ, và “Vua dùng gươm giết Gia-cơ là anh của Giăng;” (Câu 2).
Sứ đồ Gia-cơ và sứ đồ Giăng là hai anh em mà Chúa Jêsus đã hỏi “Các ngươi không hiểu điều của mình xin. Các ngươi uống được chén mà ta hầu uống không? Hai người thưa rằng: Chúng tôi uống được.” (Ma-thi-ơ 20:22).
Nhưng, “Ngài phán rằng: Thật các ngươi sẽ uống chén ta nhưng mà ngồi bên hữu hay bên tả ta, thì chẳng phải tự ta cho được; ấy là cho những người nào mà Cha ta đã sửa soạn cho.” (Ma-thi-ơ 20:23).
Chúa cho biết rằng ai muốn theo Chúa là phải trả giá. Đó là lý do mà Gia-cơ bị bức hại , còn Giăng bị lưu đày trên đảo Bát-mô (Khải Huyền 1:9). Cuối cùng họ đã hiểu được thế nào là uống chén mà Chúa Jêsus đã uống như Ngài đã báo trước cho họ biết.
Nhờ sự bức hại của vua Hê-rốt mà nhiều Tín hữu đầu tiên phải tản lạc khắp nơi. Nhờ vậy mà Tin Lành của Chúa được truyền đi khắp đất, và chúng ta mới có cơ hội nghe được Tin Lành, tin nhận Chúa và được cứu rỗi. Có lẽ tôi và quý vị không bị bức hại khi đang sống trong một đất nước tự do. Nhưng dù sao thì tôi và quý vị cũng sẽ không tránh được hoạn nạn, thử thách và khó khăn trong cuộc sống.
Đức Chúa Trời có quyền trên mọi sự. Ngài có quyền cho phép vua Hê-rốt giết Gia-cơ và có quyền ngăn cản vua làm hại Phi-e-rơ. Đối với Chúa họ đều là tôi tớ tận tụy và cần thiết cho Hội Thánh của Ngài. Nhưng người thì bị bức hại người khác thì không. Thật tình mà nói, có rất nhiều chuyện mà chúng ta không hiểu nỗi được ý muốn của Đức Chúa Trời đâu?
Bây giờ xin quý vị cùng tôi suy gẫm chung chữ “B” thứ hai là:
II. Bắt bớ
Tuy rằng sứ đồ Phi-e-rơ không bị bức hại, nhưng không có nghĩa là ông trách khỏi sự bắt bớ vì người Do Thái rất hài lòng khi Gia-cơ bị giết, cho nên, họ “thấy điều đó vừa ý người Giu-đa, nên cũng sai bắt Phi-e-rơ nữa.” (Câu 3).
Trước hết họ muốn bắt giam sứ đồ Phi-e-rơ là người đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến dân chúng, cho nên, họ sợ Phi-e-rơ xúi giục dân chúng nổi loạn. Thứ hai, chuyện Phi-e-rơ bị bắt giam là việc của Đức Chúa Trời, vì Ngài muốn bày tỏ cho dân chúng thấy phép lạ Ngài làm để giải cứu Phi-e-rơ ra khỏi ngục tù.
Kinh Thánh cho biết, “Bấy giờ nhằm ngày ăn bánh không men. Vậy, vua bắt người và hạ ngục, phó cho bốn ngũ binh canh giữ, mỗi ngũ có bốn tên lính. Vua toan đợi lúc xong lễ Vượt Qua, thì bắt người ra hầu trước mặt dân chúng.” (Câu 4). Mỗi ngũ binh có 4 tên lính, vậy thì 4 ngũ binh tổng cộng là 16 tên lính canh giữ sứ đồ Phi-e-rơ. Đối với con người thì rất khó để trốn ra khỏi ngục tù này, nhưng Chúa Jêsus phán rằng: “Sự chi người ta không làm được, thì Đức Chúa Trời làm được.” (Lu-ca 18:27).
Chúa sai thiên sứ giải cứu Phi-e-rơ ra khỏi ngục tù, mà ông cứ tưởng rằng mình đang ở trong mơ. Cho đến “Khi qua khỏi vọng canh thứ nhất, rồi vọng thứ nhì, thì đến nơi cửa sắt, là cửa thông vào thành; cửa đó tự mở ra trước mặt hai người, rồi hai người vượt ra khỏi, đi lên đàng cái, tức thì thiên sứ lìa Phi-e-rơ. 11 Phi-e-rơ bèn tỉnh lại và nói rằng: Bây giờ ta nhận biết thật Đức Chúa Trời đã sai thiên sứ Ngài giải cứu ta ra khỏi tay Hê-rốt cùng khỏi điều dân Giu-đa đang mong đợi.” (Công-vụ 12:10-11).
Có nhiều việc Đức Chúa Trời làm, mà sau này nhiều người mới hiểu tại sao? Nhiều sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa bị bắt đi cải tạo ở Việt nam sau biến cố 1975, nhưng cũng nhờ bị bắt mà được đi tỵ nạn chính trị ở Mỹ theo diện H.O. Cho nên, bị bắt bớ cũng chưa phải là bất hạnh đâu?
Hội Thánh Chúa làm gì khi Phi-e-rơ ra chờ đưa ra xét xử?
Xin quý vị cùng tôi suy gẫm chúng với nhau chữ “B” cuối cùng là:
III. Bền lòng cầu nguyện.
Xin quý vị cùng đọc chung với tôi câu 5; “Vậy, Phi-e-rơ bị cầm trong khám, còn Hội thánh cứ cầu nguyện Đức Chúa Trời cho người luôn.” Qua sự bền lòng cầu nguyện của Hội Thánh tại Giê-ru-sa-kem mà Chúa đã lắng nghe và làm phép lạ cứu sứ đồ Phi-e-rơ ra khỏi ngục tù.
Điều này cho chúng ta thấy sự cầu thay rất quan trọng, nhất là cầu thay cho những tôi con Chúa đang phải đối diện với thử thách, khó khăn và hoạn nạn trong cuộc sống hằng ngày. Phao-lô luôn nhờ các tín hữu cầu nguyện cho chức vụ của ông, “Chính anh em lấy lời cầu nguyện mà giúp đỡ chúng tôi, hầu cho chúng tôi nhờ nhiều người cầu nguyện mà được ơn, thì cũng nên dịp cho nhiều người vì cớ chúng tôi mà tạ ơn nữa.” (2 Cô-rinh-tô 1:11).
Khi còn tại thế Chúa rất là bận rộn với công việc hằng ngày, nhưng Ngài luôn dành thì giờ để cầu nguyện riêng tư với Chúa Cha. Sau khi Chúa Jêsus về trời, Ngài vẫn luôn quan tâm đến tôi con Ngài và tiếp tục cầu thay cho họ như Phao-lô đã nói; “Ai sẽ lên án họ ư? Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng đã chết, và cũng đã sống lại nữa. Ngài đang ngự bên hữu Đức Chúa Trời, cầu nguyện thế cho chúng ta.” (Rô-ma 8:34).
Tôi và quý vị tương giao với Chúa qua sự cầu nguyện, và qua sự cầu nguyện mà chúng ta biết được ý muốn Chúa cho đời sống mình. Mỗi chúng ta có thể thiếu ơn để hầu việc Chúa, nhưng không thể thiếu ơn cầu nguyện được. Vì không có phương thức nào khác hữu hiệu hơn để gây dựng đời sống thuộc linh của mình, bằng tinh thần cầu nguyện và bền lòng cầu thay cho nhau.
Hội Thánh tăng truởng hay không là nhờ vào sự hiệp một cầu nguyện của nhiều con dân Chúa. Chúa hứa nơi nào có hai ba người nhóm nhau lại và đồng lòng quỳ gối cầu nguyện ở dưới đất, thì Chúa ở trên trời sẽ ở cùng, lắng nghe và hành động.
Tôi và quý vị muốn thấy phép lạ Chúa sẽ làm trên Hội Thánh, trên mỗi cuộc đời của chúng ta không? Hãy làm theo điều Đức Chúa Trời đã hứa; “Hãy kêu cầu ta, ta sẽ trả lời cho; ta sẽ tỏ cho ngươi những việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa từng biết.” (Giê-rê-mi 33:3). Tôi và quý vị tự hỏi rằng mình có quan tâm cầu thay cho tôi con Chúa trong Hội Thánh mình không?
Cầu xin Chúa giúp cho mỗi chúng ta có một đời sống cầu nguyện để khích lệ lẫn nhau.
Kết Luận:
Chúng ta không bị bách hại khi đang sống trong một đất nước tự do. Nhưng không có nghĩa là chúng ta sẽ không gặp bất cứ khó khăn nào. Người bằng lòng chịu bách hại là người chấp nhận vâng theo lời; “Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng môn đồ rằng: Nếu ai muốn theo ta, thì phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta.” (Ma-thi-ơ 16:24).
Có câu chuyện kể rằng:
có nhiều người vác thập tự giá theo Chúa Jêsus, nhưng có người còn mê tham của cải đời này nên không muốn vác thập tự giá. Có người cũng vác thập tự giá nhưng vì nặng quá cho nên đã cưa ngắn thập tự giá cho nhẹ. Nhưng cũng có người bằng lòng vác thập tự giá đi đến cùng.
Kết quả của mỗi người vác thập mình sẽ thế nào? Số phận của người không tiếp tục vác thập tự giá là sự chết. Còn người đã cưa thập tự giá không đủ dài để bắt cầu qua bờ vực thẳm, cuối cùng cũng không đến được với Chúa. Chỉ có người bằng lòng vác thập tự giá mà Chúa ban cho mỗi người thì mới đủ dài để bắt cầu đi qua vực thẳm đến với Đức Chúa Trời.
Ngày nào tôi và quý vị còn sống trên đất thì chúng ta còn phải đương đầu với thử thách, hoạn nạn và bắt bớ vì danh Chúa, nhưng mục đích sống của chúng ta là chờ ngày Chúa Jêsus trở lại đem chúng ta về ở với Ngài đời đời trên nước thiên đàng.
Làm sao để được những điều này? “Hãy vui mừng trong sự trông cậy, nhịn nhục trong sự hoạn nạn, bền lòng mà cầu nguyện” (Rô-ma 12:12). Để Chúa Thánh Linh giúp cho mỗi chúng ta thắng những cám dỗ mà ma quỉ đang ngày đêm tìm cách cám dỗ chúng ta.
Nguyện xin Lời Chúa ở cùng với quý vị. Amen
|